Chúng ta nhất định phải hiểu định nghĩa của 2 chữ bố thí cho rõ ràng. Bố thí chính là phục vụ. Bố thí hết thảy chúng sanh chính là phục vụ cho mọi người, phục vụ cho xã hội, phục vụ cho chúng sanh trong thập pháp giới. Đó là Phật đạo, Bồ Tát đạo do đó chúng ta không thể nhìn sai việc bố thí.

Đức Phật giảng bố thí chia thành 3 loại. Thứ nhất là bố thí tài, thứ nhì là bố thí pháp, thứ 3 là bố thí vô úy. Trong Bồ Tát hạnh, đức Phật dạy cho chúng ta 6 nguyên tắc, 6 điều. Trong kinh điển gọi là Lục Độ Lục Ba La Mật, tức là 6 nguyên tắc cho hành vi của Bồ Tát.

Điều thứ nhất trong Lục Độ là bố thí, bao gồm cả 3 thứ tài, pháp và vô úy. Thứ 2 là trì giới. Trì giới là tuân giữ pháp luật. Thứ 3 là nhẫn nhục. Tuân giữ pháp luật và nhẫn nhục đều thuộc về vô úy bố thí. Sau đó là tinh tấn – thiền định – bát nhã, thuộc về pháp bố thí. Do đó nếu bạn quy nạp Bồ Tát hạnh thì đó chính là 2 chữ  “bố thí”.

Giải thích 2 chữ “bố thí” chính là phục vụ cho hết thảy đại chúng. Bất luận bạn có thân phận gì, bạn làm nghề gì, hết thảy bạn đều vì chúng sanh, hết thảy bạn đều vì xã hội, vì nhân dân thì đó là tu bố thí Ba La Mật. Mỗi người chúng ta nên làm 1 tấm gương tốt trong việc tu bố thí Ba La Mật.

Tâm địa 1 người trên thế giới tốt, phẩm chất tốt, hành vi tốt, làm gương tốt cho xã hội thì đã bố thí thân mình. Cả thân và tâm đều bố thí. Đời sống chúng ta bất luận là giàu sang hay nghèo hèn. Giàu sang thì làm 1 gương giàu sang tốt. Nghèo hèn thì làm 1 gương nghèo hèn tốt. Người nghèo hèn giữ vững bổn phận, vui với cái nghèo, vậy chính là bố thí. Người giàu sang làm gương tốt của 1 người giàu sang, dùng những gì mình dư giả giúp cho những người nghèo. Có phước thì cùng hưởng với hết thảy chúng sanh.

Dù bạn làm trong chính phủ hay làm buôn bán thì cũng đều là phục vụ cho nhân dân. Người xuất gia nghiên cứu Phật pháp, kinh giáo cho thấu triệt, giảng giải tường tận cho hết thảy chúng sanh, đó chính là phục vụ nhân dân. Giúp mọi người phá mê khai ngộ, giúp mọi người nâng cao mức sống, người xuất gia cũng phục vụ nhân dân. Tất cả Phật pháp nói đến cuối cùng tổng kết lại chỉ là phục vụ hết thảy chúng sanh mà thôi.

Thật sự có thể hy sinh chính mình, xả mình vì người thì người đó gọi là Bồ Tát. Niệm niệm đều nghĩ đến chúng sanh, nghĩ đến toàn thể xã hội, nghĩ đến nhân dân, chẳng nghĩ đến mình, chẳng nghĩ đến nhà mình. Mình và nhà mình là 1 phần tử của đoàn thể. Cả đoàn thể tốt thì lẽ nào mình không tốt được. Phước báu cũng từ đây mà ra.

Nam Mô A Di Đà Phật.


0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder