Người người đều yêu mến xác thân, mấy ai biết được thân là gốc khổ? Mỗi giây mỗi phút đều tham muốn mưu cầu khoái lạc, chẳng biết rằng chỗ khoái lạc ấy là nguyên nhân của khổ. Kiếp người như mây nổi thoáng qua, nào có bền lâu? Thể chất huyễn ảo vốn không kiên cố, thảy đều diệt mất. Người sống thọ không quá tám, chín mươi, kẻ yểu mạng đôi, ba mươi đã chết. Sống ngày nay chẳng biết việc ngày mai, lên giường ngủ sáng ra không dậy nữa. Thở ra không hẹn thở vào, ngay lúc ấy đã ngàn thu vĩnh biệt. Thân giả tạm này thật chẳng đáng ngợi khen, sao chẳng ai thoát khỏi sự lừa dối của nó?
Gân cốt ràng rịt giữ lấy bộ xương bảy thước, một lớp da bao bọc khối thịt hồng; tóc, lông, răng, móng… cùng gom chung một gò vô chủ; trong thân chứa đầy những nước mắt, nước mũi cùng đờm dãi, nhơ nhớp như hố xí.
Mùa đông rét buốt, mùa hè nóng bức, mỗi năm đều chịu đựng như trong cơn sốt rét; muỗi mòng, chấy, rận… đua nhau chích đốt, tháng tháng sống chung cùng giòi bọ vây quanh.
Tấm thân này thật không thể yêu chuộng đắm say, mong mọi người sớm nguyện thoát lìa. Vì sao kẻ mê muội còn đắm chuyện phong lưu, người u tối càng sinh điên đảo? Trên đầu một khối xương sọ, có người lại cài hoa giắt lá điểm tô; thân như đẫy da chứa đầy xú uế, lắm kẻ thường thoa hương trát phấn nâng niu. Lụa là phủ che túi máu mủ, gấm vóc bao kín bọc phẩn dơ. Tận dụng trăm mưu ma chước quỷ, những mong sống mãi ngàn năm; nào hay khi đầu váng mắt hoa, vua Diêm-la đã sớm triệu hồi; hoặc vừa lúc tóc bạc răng rụng, quỷ vô thường vội vàng tìm đến.
Người người luyến mê tài sắc, đều là cách nhanh nhất đánh mất thân người. Ngày ngày đắm say rượu thịt, khác nào trồng sâu gốc địa ngục. Trước mắt mưu cầu khoái lạc nhất thời, cay đắng khổ đau muôn vạn kiếp. Một khi mạng sống vừa dứt, bốn đại phân rã như dao bén cắt xẻo toàn thân đau đớn, bên ngoài tay chân rời rã, bên trong gan ruột xé lìa. Ví bằng vợ con đớn đau than khóc, cũng không sao lưu giữ; dù cho thân quyến cốt nhục đủ đầy trước mắt, nào ai thay chết được chăng?
Khi sinh ra uổng khóc gào vô ích, lúc chết đi thần thức vội lìa. Đường trước mịt mờ tăm tối, nhìn quanh cô độc một thân. Qua cầu Nại-hà, cảnh nhìn thấy bi thương đau đớn; vào Quỷ môn quan, lòng tự nhiên thê thảm đớn đau. Lìa dương thế vừa được bảy ngày, chốn âm ty đã trải qua mọi chốn. Phán quan xét xử chẳng nương tình, ngục tốt y lệnh nghiêm mặt sắt. Kẻ làm thiện được lên cõi trời, người. Người tạo ác giải ngay vào địa ngục. Ngày trước thường nói nhân quả là chuyện hoang đường, lúc này mới biết việc báo ứng không mảy may sai chạy.
Gương nghiệp soi mọi sự rõ ràng, chốn âm ty muôn phần khổ sở. Núi đao rừng kiếm, chịu đựng khôn xiết vạn nỗi đớn đau. Mang lông đội sừng, đền trả chưa hết biết bao nợ cũ. Cứ cho là gan dạ anh hùng, cũng không khỏi cúi đầu trước quỷ tốt. Kẻ báng Phật phá Tăng, rốt cùng phải quỳ trước Diêm Vương chịu tội.
Hồn phách dù đã về âm giới, thi hài còn nằm giữa áo quan. Hoặc giữ lại qua ba ngày, năm bữa; hoặc kéo dài sáu, bảy tháng ròng. Da thịt tối rữa sinh bao giòi bọ, máu mủ rỉ ra, mùi hôi thối tận trời khắp đất. Nhà nghèo khó, vùi xác dưới một gò nơi đồng nội. Kẻ giàu sang, gửi thân nơi núi hoang xa vạn dặm. Sinh thời hồng nhan diễm lệ, nay hóa thành tro cốt lạnh tanh. Một nắm xương tàn cô quạnh, dần nát thành bụi bặm cõi trần. Hào kiệt anh hùng thuở trước, nay biết về đâu? Cỏ xanh dần che bia đá, cành dương phơ phất giấy tiền. Xét đến cùng, nào ai tránh được cảnh ấy?
Nếu muốn thoát khỏi luân hồi, phải mau quay về Chánh giác. Thôi hướng hang quỷ tìm đường sống, phải biết trong thân sẵn tánh linh. Dù nam hay nữ đều có thể tu, người tăng người tục, pháp phần đều sẵn. Gấp rút tìm đường, thoát khổ, phải nghĩ đến thân đời sau nữa. Nếu chẳng quay đầu, sao tránh khỏi trong mơ khởi mộng. Nếu mãi ngày này chờ sang ngày khác, thoắt chốc đã luống tuổi xuân; khiến người sau lại khóc người sau nữa, dần dần xương trắng thành non.
Khéo niệm Di-đà, đài vàng Cực Lạc sẵn chờ. Diêm chúa vô tình, đừng chuốc lấy cực hình địa ngục. Bỏ ác làm thiện, dứt quá khứ dựng lại tương lai. Giữa đại chúng tuyên dương Chánh pháp, nơi gia đình giảng thuyết đạo mầu. Sao cho chốn chốn đều tỏ ngộ, người người cùng thoát khỏi trầm luân.
Lời Phật dạy nếu không tin nhận, còn ai đáng tin hơn? Làm người nếu chẳng gắng tu, sinh đường khác muốn tu rất khó. Mong sao hết thảy mọi người, nghe qua rồi tin nhận thực hành ngay, chớ để một đời này trôi qua uổng phí.
Nguyên tác là “Khuyến tu hành văn” của Nhan Bính, hiệu Như Như Cư Sĩ.
Như Như Cư Sĩ (?-1212) là vị cư sĩ của Phái Đại Huệ thuộc Lâm Tế Tông Trung Quốc, còn gọi là Đơn Hà Tiên Sinh, xuất thân Thuận Xương (tỉnh Phúc Kiến). Ông đến tham vấn Khả Am Huệ Nhiên ở Tuyết Phong Sơn và kế thừa dòng pháp của vị này. Vào ngày 15 tháng 6 năm thứ 5 niên hiệu Gia Định ông từ trần. Trước tác của ông hiện có Như Như Cư Sĩ Ngữ Lục 15 quyển, Tam Giáo Đại Toàn Ngữ Lục 1 quyển.
0 Bình luận